KHÁM PHÁ DI TÍCH LỊCH SỬ QUÊ HƯƠNG
BÀI HỌC SỐNG ĐỘNG TỪ TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ ĐỊA PHƯƠNG
Nội dung giáo dục của địa phương là một bộ phận không thể tách rời trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, truyền thống, địa lý, kinh tế, hướng nghiệp, chính trị xã hội, môi trường của địa phương; bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của quê hương, đất nước và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của thực tiễn.
Ở cấp Tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với các môn học và hoạt động trải nghiệm; đảm bảo tính thực tiễn, tính khoa học, tính sư phạm, phù hợp với các đặc điểm tâm lí, trình độ phát triển nhận thức của học sinh, không gây quá tải cho học sinh.
Thực hiện chương trình Giáo dục địa phương năm học 2024-2025, với mong muốn mang lại cho học sinh những giờ học sống động, thiết thực và gắn liền với thực tế địa phương, Trường Tiểu học đã tổ chức cho học sinh khối 4 và 5 tham gia hoạt động trải nghiệm học tập với chủ đề: “Truyền thống quê hương” tại đình làng thôn Quán Đào (di tích lịch sử Quốc gia) và cơ sở làm bún truyền thống của xã Gia Tiến, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.
Tại Đình làng Quán Đào, các em được ông Nguyễn Trung Ky-Trưởng thôn Quán Đào và ông Vũ Văn Tự - chủ trì Đình làng - hướng dẫn, giới thiệu chi tiết về lịch sử ngôi Đình, cách chọn địa thế xây đình, cấu trúc cảnh quan… Tất cả các em đều rất hào hứng, chăm chú dõi theo từng lời kể đồng thời quan sát cảnh vật xung quanh và đồ vật bên trong ngôi Đình. Chắc chắn các em thêm tự hào khi được khám phá cặn kẽ lịch sử mái đình quê hương. Đình Quán Đào được xây dựng từ thời Lí, được xây dựng ở giữa các gò đống tạo ra thế rồng chầu hổ phục, là nơi thờ Thiên Tác Đại Vương Lí Canh Tôn, là một danh tướng thời nhà Lí người có công phù giúp Nhà Lí đánh tan quân Tống xâm lược. Đây cũng là nơi hội họp của dân làng mỗi khi có việc lớn. Đình còn là nơi nhân dân học bình dân học vụ, xóa mù chữ cho nhân dân trong xã. Chính đây là nơi nhân dân đến ủng hộ vàng bạc trong tuần lễ vàng mà Bác Hồ và chính phủ kêu gọi. Ngày 06/1/1946, Đình còn là nơi chứng kiến cuộc bầu cử Quốc Hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa của xã. Liên tiếp các năm 1946 – 1947 Đình còn là nơi luyện tập võ trang của du kích, để chuẩn bị cho kháng chiến chống Pháp của địa phương; là nơi họp hành của Chi bộ Đảng, nơi che dấu hàng trăm cán bộ huyện, tỉnh và một số cán bộ xã bạn… Trước đây di tích có rất nhiều đồ tế tự như Long đình, Luyện, Bát biểu, Cờ quạt, Tàn lòng, Quần áo tế lễ, Đồ thờ tự… Trải qua thời gian và đặc biệt là kháng chiến chống Pháp ác liệt đã diễn ra trên mảnh đất này đã tiêu hủy rất nhiều hiện nay chỉ còn: 1 Đỉnh đồng thời Nguyễn, 1 bức đại tự sơn son, 1 bát Hương bằng sứ, 8 lọ hoa sứ, 3 bộ thờ, 1 bức Y môn, 1 ngai thờ gỗ, 2 câu đối gỗ, 1 bàn thờ gỗ sơn son, 1 hòm sắc, 1 thần tích, 3 bức đại tự. Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật điêu khắc, giá trị khoa học của di tích và cổ vật đang được lưu giữ, năm 1995 Đình Quán Đào được Nhà nước cấp bằng Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia. Lễ hội Đình làng được tổ chức chính vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm, để nhân dân trong thôn, trong xã tưởng nhớ, tri ân Thiên Tác Đại Vương Lí Canh Tôn-vị tướng tài ba của dân tộc.
Tiết học tại Đình làng không chỉ giúp các em học sinh hiểu hơn về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” mà còn hiểu sâu hơn về người anh hùng Thiên tác, về lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, của địa phương. Qua đó bồi dưỡng cho học sinh tinh thần tự hào truyền thống quê hương, đất nước; thêm yêu lịch sử nước nhà, thêm yêu quê hương, đất nước!
Không chỉ dừng lại ở giá trị lịch sử, buổi trải nghiệm còn giúp học sinh nhận thức rõ hơn về đời sống lao động và kinh tế của người dân Gia Tiến. Các em được tận mắt thấy những ruộng rau xanh mướt, vườn hoa đầy sắc màu, mô hình chăn nuôi gà vịt,… Qua đó, học sinh hiểu rằng, để quê hương phát triển tươi đẹp như hôm nay là nhờ vào bàn tay, khối óc, sự cần cù sáng tạo của biết bao người dân lao động. Từ đó, các em biết yêu quý hơn từng giọt mồ hôi, từng sản phẩm làm ra từ chính quê hương mình.
Sau buổi học, các em học sinh đã trưởng thành hơn rất nhiều: không chỉ biết thêm kiến thức mới, mà còn rèn luyện được kỹ năng quan sát, cách ghi chép, cách, trình bày ý tưởng và lắng nghe người khác. Điều đặc biệt hơn cả là sự thay đổi về tình cảm và thái độ – các em biết yêu quê hương hơn, tự hào hơn khi nói về nơi mình sinh ra và lớn lên.
Hoạt động trải nghiệm tại đình Quán Đào không chỉ là một bài học về lịch sử địa phương, mà còn là bài học làm người – học từ thực tiễn, từ truyền thống, từ chính quê hương mình. Chính những tiết học như vậy đã khiến học sinh cảm thấy việc học không còn khô khan mà trở thành một hành trình sống động, đầy cảm xúc và ý nghĩa. Đây cũng là minh chứng rõ ràng cho tinh thần đổi mới giáo dục: lấy học sinh làm trung tâm, và để mỗi em đều được “học bằng trải nghiệm – lớn lên cùng quê hương”.
Một số hình ảnh tiết học trải nghiệm thực tế tại Đình Quán Đào:




Tin bài: Cô giáo Đoàn Thị Dung