TĂNG CƯỜNG PHÒNG, CHỐNG BỆNH CÚM, SỞI
VÀ CÁC BỆNH VỀ HÔ HẤP
Hiện nay, dịch cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở trẻ em. Những bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phòng ngừa và điều trị kịp thời. Vì vậy, cha mẹ học sinh, các cô giáo và các em học sinh cần hiểu rõ để áp dụng các biện pháp phòng, tránh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe chính mình, cho học sinh cũng như con em mình.
Các bệnh về đường hô hấp thường gặp ở trẻ em, gồm:
1. Cúm
Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra do virus cúm (Influenza virus). Theo thống kê của WHO, thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em nhiễm cúm mỗi năm. Trong đó, khoảng nửa triệu ca tử vong do các vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh cúm.
Virus cúm (Influenza virus) chính là nguyên nhân gây bệnh cúm ở người, virus cúm tấn công vào hệ hô hấp của người bệnh, bao gồm mũi, cổ họng và phổi.
Ngoài các dấu hiệu nhận biết bệnh cúm là đau họng, sổ mũi và hắt hơi (giống với cảm lạnh) thì bệnh cúm còn có các dấu hiệu cảnh báo như sau:
- Sốt vừa đến cao (trên 38oC);
- Cảm giác ớn lạnh;
- Đau đầu, chóng mặt;
- Đau nhức cơ bắp;
- Mệt mỏi toàn thân, cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực;
- Buồn nôn, tiêu chảy (thường xuất hiện ở trẻ em nhiều hơn).
Thời gian ủ bệnh cúm thường kéo dài trong khoảng 2 ngày. Sau khoảng 5 ngày, triệu chứng sốt và các triệu chứng khác sẽ biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài.
2. Sởi
Sởi (Measles) là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus Polinosa Morbillarum gây ra, thường gây sốt, phát ban và có khả năng truyền nhiễm. Bệnh rất dễ lây lan qua không khí khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi… Biểu hiện của bệnh sởi khá đa dạng, mức độ tùy từng trường hợp.
Hiện nay chưa có phương pháp điều trị sởi đặc hiệu riêng.
Các triệu chứng của bệnh sởi hay dấu hiệu bệnh sởi, biểu hiện của bệnh sởi thường xuất hiện sau khoảng 10 đến 14 ngày tiếp xúc với virus, bao gồm:
- Sốt
- Ho khan
- Sổ mũi
- Đau họng
- Viêm kết mạc
- Đốm Koplik (những đốm trắng nhỏ có tâm màu trắng hơi xanh trên nền đỏ nằm bên trong miệng trên niêm mạc má).
- Phát ban trên da từng mảng lớn, phẳng.
Ngoài cúm và sởi, các bệnh về đường hô hấp còn có: cảm lạnh, hen suyễn, viêm họng, viêm phế quản, viêm xoang, viêm phổi, lao phổi,… rất có hại cho sức khỏe.
Để chủ động phòng, tránh cúm, sởi và các bệnh về đường hô hấp, mỗi người nên thực hiện các biện pháp:
1. Tiêm vắc xin phòng bệnh. Bằng việc tiêm vắc xin phòng bệnh hô hấp đầy đủ, đúng lịch và duy trì tiêm nhắc hàng năm, cả trẻ em và người lớn sẽ được bảo vệ toàn diện với đầy đủ kháng thể đặc hiệu, hệ thống miễn dịch được tăng cường vững chắc để ngăn chặn các bệnh hô hấp nguy hiểm, các biến chứng nguy hiểm và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
2. Vệ sinh cá nhân và môi trường sống thường xuyên.
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ em và người lớn dễ mắc các bệnh về hô hấp là môi trường sống luôn ẩm thấp, kém vệ sinh, không thông thoáng, đủ ánh sáng. Bởi đây là chính là môi trường lí tưởng để các tác nhân virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, vi sinh vật ẩn náu, phát triển, sinh sôi và lây lan nhanh chóng.
Chính vì vậy, việc vệ sinh môi trường sống, nhà cửa luôn sạch sẽ là rất cần thiết, đặc biệt lau chùi các bề mặt thường xuyên cầm nắm, tiếp xúc như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, ban công, mặt bàn ghế, điều khiển tivi, điều hòa, đồ chơi cho trẻ… Bên cạnh đó, việc vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tắm gội mỗi ngày cũng rất quan trọng để loại bỏ các mầm bệnh trú ngụ trên da, đồng thời giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể chống chọi các tác nhân gây bệnh; rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn trước và sau khi ăn/ uống, đi vệ sinh, cầm nắm các đồ vật hoặc có chạm tay với người khác.
3. Tăng đề kháng bằng dinh dưỡng khoa học
Tăng cường sức đề kháng bằng cách cung cấp chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý (nhiều chất xơ, rau, củ, quả giàu vitamin, khoáng chất thiết yếu), bổ sung đủ nước mỗi ngày. Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, các món ăn có hàm lượng muối cao như thịt xông khói, các loại cá muối hoặc quá ngọt…
4. Luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe
Duy trì việc luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, đá banh, tập gym, yoga, dưỡng sinh, ngồi thiền,… để tăng cường thể lực, nâng cao sức khỏe chống lại tác nhân gây các bệnh về đường hô hấp hiệu quả.
5. Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là mùa đông
Việc giữ ấm cơ thể, đặc biệt là đường thở khi trời trở lạnh là rất cần thiết để ngăn ngừa các bệnh về hô hấp cũng như giúp bảo vệ lá phổi luôn khỏe mạnh. Nếu phải ra ngoài, cả trẻ em và người lớn cần mặc quần áo dài tay và dày dặn, đeo khăn quàng cổ, bao tay, khẩu trang, mũ bịt cả hai tai trước khi ra đường để cơ thể luôn đủ ấm.
6. Thực hiện các biện pháp phòng bệnh khi đến nơi đông người
Nếu phải đến nơi đông người, nơi công cộng thì cần hạn chế tiếp xúc và giữ khoảng cách với những người xung quanh (đặc biệt là những người đang mắc bệnh về hô hấp hoặc nghi ngờ mắc bệnh), đeo khẩu trang kín.
7. Tránh xa khói bụi, khói thuốc, không khí độc hại…
Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh hô hấp như khói bụi, khói thuốc, không khí độc hại. Tuyệt đối không được hút thuốc lá, thuốc lào.
Cha mẹ, thầy cô giáo và cộng đồng hãy chung tay bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh lây nhiễm đường hô hấp. Việc tiêm phòng đầy đủ, duy trì vệ sinh và chăm sóc sức khỏe tốt sẽ giúp trẻ có một môi trường sống an toàn và khỏe mạnh!
Tin bài: Đoàn Văn Thiện