SINH HOẠT CHUYÊN MÔN LIÊN CẤP - GIẢI PHÁP TÍCH CỰC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU
ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
Thực hiện Kế hoạch nhiệm vụ năm học của Trường Tiểu học Tân Tiến và Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của Tổ chuyên môn lớp 4+5 về đổi mới phương pháp dạy học, trong đó chú trọng đến học sinh cuối cấp. Với mục đích rút gần “khoảng cách” giữa phương pháp dạy-học của bậc Tiểu học với bậc THCS, giúp học sinh đầu cấp THCS không “bị” quá bỡ ngỡ, chiều ngày 27/2/2025 và chiều ngày 10/3/2025, Trường Tiểu học Tân Tiến phối kết hợp với Trường THCS Tân Tiến tổ chức sinh hoạt chuyên môn liên cấp, nội dung tập trung thảo luận về đổi mới phương pháp dạy học giúp học sinh lớp 5 lên học lớp 6 đạt kết quả tốt.
Thành phần tham dự gồm toàn bộ các đồng chí giáo viên Tổ Khoa học Xã hội trường THCS Tân Tiến và các đồng chí giáo viên văn hóa dạy lớp 5 trường Tiểu học Tân Tiến. Cùng dự và chỉ đạo buổi sinh hoạt chuyên đề liên cấp có các đồng chí là lãnh đạo hai nhà trường.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Thị Thúy – Bí thư chi bộ, Hiệu trường Trường Tiểu học Tân Tiến đã nêu rõ mục đích và ý nghĩa của việc tổ chức SHCM liên cấp giữa Tiểu học và THCS. Đây là cơ hội cũng là yêu cầu để các thầy cô hai nhà trường được học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm dạy học, điều chỉnh cách dạy sao cho rút gần khoảng cách về phương pháp dạy, phương pháp học giữa 2 bậc học, để học sinh lớp 5 mạnh dạn hơn, tự tin hơn, học tốt hơn khi bước vào bậc học THCS.

Báo cáo lí thuyết và dạy minh họa chuyên đề do cô Dương Thị Vân-Tổ trưởng, giáo viên dạy lớp 5 Trường Tiểu học Tân Tiến thực hiện. Nội dung chuyên đề tập trung vào cách thực hiện các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, cách thức tạo những tiết dạy sinh động; cách đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh và biện pháp giúp học sinh tự học có hiệu quả. Chuyên đề đã thể hiện được tinh thần đổi mới theo yêu cầu của Ngành Giáo dục; thể hiện sự hăng hái vào cuộc của tổ nhóm chuyên môn, năng lực sư phạm, sự năng động, sáng tạo, kiến thức vững vàng và sự khiêm tốn học hỏi của các đồng chí giáo viên.
.jpg)
Để làm rõ lí thuyết chuyên đề, lãnh đạo và các thầy cô giáo hai nhà trường dự tiết học Lịch sử lớp 6, bài: Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.



Thầy cô hai nhà trường tiếp tục giờ tiết học Tiếng Việt (Luyện từ và câu) lớp 5, bài Liên kết câu bằng từ ngữ nối.




Phần thảo luận của các thầy cô 2 nhà trường diễn ra sôi nổi, trong không khí tích cực, với tinh thần hướng tới mục đích của chuyên đề. Giáo viên tham dự đều đánh giá cả 2 tiết học đã thể hiện đúng tinh thần của chuyên đề. Giáo viên đã vận dụng linh hoạt các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực. Với tiết học Lịch sử, giáo viên đã sử dụng các phương pháp: dạy học theo dự án, trò chơi, chú trọng rèn luyện phương pháp tự học, tăng cường học tập cá thể, phối hợp với học tập hợp tác...Các em được tự mình tìm hiểu về nguyên nhân, mục đích, diễn biến, kết quả và ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Đặc biệt thông qua video tự làm, các em đã tái hiện lại cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đầy khí phách của nữ tướng tài ba. Tiết dạy đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng người về dự.
Tiết học Tiếng Việt lớp 5, cô giáo Dương Thị Vân đã linh hoạt vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực như: thảo luận nhóm, trình bày 1 phút, trò chơi, phòng tranh…; tổ chức cho HS được trực tiếp điều hành lớp học (hoạt động khởi động), được vào vai hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu cảnh đẹp trên quê hương, đất nước (hoạt động luyện tập). Học sinh được tự nhận xét, đánh giá kết quả học tập của chính mình, của bạn. Tiết học thực sự đem lại hứng thú học tập tích cực đối với HS, hầu hết các em mạnh dạn, tự tin, vận dụng thực hành tốt.
Hai tiết học khẳng định sự đổi mới rõ nét về phương pháp dạy học, về kiểm tra, đánh giá năng lực, phẩm chất người học; về sự tự chủ, tự tìm tòi khám phá kiến thức của học sinh. Các tiết học đã đạt được mục tiêu về năng lực, phẩm chất và nội dung cơ bản, trọng tâm của bài học.




.jpg)
.jpg)
Cuối buổi sinh hoạt chuyên môn, BGH và giáo viên hai nhà trường cùng thống nhất một số vấn đề như: Linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức, phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực, làm chủ bài giảng; kiểm soát, đánh giá học sinh trong giờ trong mỗi tiết dạy đồng thời định hướng giúp các em trong quá trình tự học, tự nghiên cứu tài liệu, tự mình chủ động khám phá kiến thức, hình thành và phát triển kĩ năng. Điều quan trọng là mỗi giáo viên cần thực sự tâm huyết với nghề, yêu thương học sinh, tích cực, mạnh dạn đổi mới PPDH nhằm phát huy năng lực học sinh. Mỗi năm học, giáo viên hai nhà trường lại cùng nhau đánh giá kết quả thực hiện chuyên đề; tiếp tục trao đổi, chia sẻ để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.
Đợt sinh hoạt chuyên môn liên cấp đã thành công tốt đẹp trong niềm hân hoan của Ban Giám hiệu và các thầy cô hai nhà trường. Với sự chia sẻ, gắn kết từ hai nhà trường, hy vọng những hoạt động có ý nghĩa này hứa hẹn đội ngũ giáo viên có chất lượng cao, phục vụ cho chiến lược phát triển bền vững, lâu dài của hai đơn vị trường học.
Tin bài: Cô giáo Dương Thị Vân – Tổ trưởng tổ 4-5